Thai ngoài tử cung có nguy hiểm như thế nào
Thai ngoài tử cung là những trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ nằm ở nơi khác thay vì trong lòng buồng tử cung. Vị trí thường gặp nhất là ở vòi trứng, khi bị vỡ thai ngoài tử cung dễ gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng thai phụ.
Bị vỡ thai ngoài tử cung, mẹ bầu đối diện với nguy cơ tử vong

Ngày 31-7, các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 vừa cứu kịp một phụ nữ mang thai mà không biết dẫn đến vỡ thai mất máu suýt tử vong.
Bệnh nhân là chị H, 29 tuổi, ngụ Bình Dương. Chị đến khám tại một phòng khám của bệnh viện này vì nghi ngờ viêm dạ dày với các biểu hiện đau bụng nhiều, kèm nôn ói.
Tuy nhiên, qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện vấn đề. Dịch tự do số lượng nhiều trong ổ bụng của bệnh nhân. Nghi ngờ bệnh nhân vỡ thai ngoài tử cung, các bác sĩ đã khẩn cấp chuyển về bệnh viện để xử trí tiếp.
Vừa đến bệnh viện, bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Điển hình nhất là mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Da bệnh nhân tái nhợt, thở ngáp cá, thoi thóp, tính mạng như chỉ mành treo chuông.
Ngay khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 đã sẵn sàng cho một cuộc mổ khẩn. Bệnh nhân được mở ổ bụng và xử trí cầm máu, lấy khối thai ngoài.
Bệnh nhân có phôi thai khoảng 7 tuần tuổi, nằm vị trí ống dẫn trứng bên trái. Do phôi thai bị vỡ khiến người bệnh mất gần 2.000 ml máu. Bệnh nhân bị sốc mất máu, tính mạng nguy kịch.
Nếu chậm trễ khoảng 10 phút nữa sẽ chảy máu không kiểm soát được. Chị H. có thể rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng. Thậm chí, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong hoặc đời sống thực vật.
May mắn thay, nhờ sự nỗ lực, ca phẫu thuật hoàn tất trong 45 phút. Bệnh nhân được cứu sống.
Thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ?
Rất khó để có được câu trả lời thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ. Bởi vì thời gian vỡ của nó còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố như:
- Vị trí làm tổ: Vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng. Không gian của vòi trứng thường hẹp hơn ở buồng trứng hay ổ bụng nên có thể thời gian vỡ sẽ nhanh hơn.
- Kích thước của nơi thai làm tổ: Mỗi mẹ bầu có một cơ địa khác nhau nên kích thước của buồng trứng, vòi trứng cũng khác nhau.
- Sự phát triển của thai nhi không giống nhau.
- Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Do vậy, đừng chủ quan nếu như những người đã và sắp làm mẹ thấy đau bụng. Đau bụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.Trong đó, vỡ thai ngoài tử cung là một ví dụ. Bị vỡ thai ngoài tử cung có thể nguy hiểm đến chính tính mạng của mẹ bầu.
Phòng tránh thai ngoài tử cung như thế nào?
Theo dõi sức khoẻ sinh sản
Các chị em cần theo dõi sát sao sức khỏe sinh sản của mình, ngay cả khi không có ý định mang thai. Phòng bệnh phụ khoa là điều cần thiết để phòng tránh thai ngoài tử cung.
Hãy quan hệ tình dục an toàn
Chung thuỷ với một người đàn ông và thường xuyên kiểm tra bệnh xã hội định kỳ để phát hiện ra các vấn đề ở đường sinh dục và sinh sản của mình.

Xem xét về hồ sơ sức khoẻ và y tế của bạn
Nếu như bạn từng bị viêm tiểu khung, lạc nội mạc tử cung hoặc đã có phẫu thuật vùng bụng (kể cả là sinh mổ), bạn sẽ có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung hơn. Nếu như bạn có hút thuốc hoặc là đang cố gắng thụ thai khi đã lớn tuổi, bạn cũng sẽ có rủi ro mang thai ngoài tử cung cao hơn người bình thường. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị có thai ngoài tử cung, lúc này người phụ nữ nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán rõ ràng và điều trị kịp thời nhất.
Nhận biết sớm các triệu chứng của thai ngoài tử cung
Ban đầu thai ngoài tử cung sẽ cũng có những dấu hiệu thông thường như với mọi trường hợp mang thai khác. Nếu như bạn đột ngột cảm thấy đau bụng dưới hoặc là đau vùng chậu, tăng nhịp tim, chóng mặt và ngất xỉu, thì hãy đi cấp cứu ngay. Bạn càng đến bệnh viện sớm chừng nào thì bác sỹ càng có cơ hội xử lí tình hình sớm chừng đó trước khi vấn đề của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Lưu ý với bác sĩ về tiểu sử thai ngoài tử cung
Nên cung cấp trông tin với bác sĩ nếu trước đây bạn từng có thai ngoài tử cung và đang muốn mang thai lại: Vì một đã từng có thai ngoài tử cung có rủi ro cao bị tái lại hơn người bình thường.
Khám và kiểm tra thường xuyên
Đi khám phụ khoa và khám sản một cách thường xuyên, và cố gắng không được bỏ qua các lần hẹn kiểm tra sức khoẻ phụ khoa định kỳ của mình, làm đầy đủ các loại xét nghiệm phụ khoa cần thiết. Bạn cũng nên chủ động tìm hiểu về các kiến thức sinh sản và sinh dục của mình để dễ nhận biết hơn khi có các vấn đề bất thường, cụ thể là vấn đề thai ngoài tử cung.
Giữ gìn vệ sinh để tránh viêm nhiễm
Khi có dấu hiệu bị viêm nhiễm sinh dục, người bệnh nên đi khám bệnh để được điều trị bệnh đầy đủ hơn. Việc khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục có thể phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị thích hợp và tránh di chứng viêm dính gây ra tắc vòi trứng, làm nguy hại cho khả năng sinh sản về sau.
Trên đây là một số thông tin về mang thai ngoài tử cung và cách phòng tránh thai ngoài tử cung. Hi vọng bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc cho bạn từ đó giúp bạn phòng tránh thai ngoài tử cung tốt hơn.
Khuyến cáo từ bác sỹ
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên quan tâm đến các dấu hiệu bất thường trong cơ thể, tình trạng kinh nguyệt. Khi có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh cần thử test nhanh (Que thử thai) và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và theo dõi sức khỏe sinh sản kịp thời. Với những dấu hiệu của thai ngoài tử cung: đau bụng khó chịu, dữ dội, trễ kinh, ra máu âm đạo... Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức.